Những điểm mới của thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT

Những điểm mới của thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào Tạo
Ngày 15/09/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/11/2020, có một số điểm mới gì, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây:


1. Giảm hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên.
Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục quy định tại Khoản 3, Điều 21 của Thông tư số 32: Quy định giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, cụ thể: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm.
Hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy quy định tại Khoản 4, Điều 21 của Thông tư số 32 theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và đảm bảo tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
2. Tăng số lần lưu ban của học sinh
Thông tư số 12 năm 2011 quy định học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học thì tại Khoản 3, Điều 33 của Thông tư số 32: Học sinh không được lưu ban quá 3 lần trong một cấp học.
3. Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập
Thông tư số 12 năm 2011 quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”. Nay nội dung này được thay đổi tại Khoản 4, Điều 37 của Thông tư số 32 là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
4. Bỏ cảnh cáo ghi học bạ đối với học sinh
Tại Khoản 2, Điều 38 của Thông số 32 hình thức xử lý đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện đã có sự điều chỉnh so với Thông tư số 12, cụ thể: Học sinh sẽ không còn bị cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt không còn bị buộc thôi học có thời hạn, thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.
5. Bổ sung thành phần tham gia Hội đồng trường công lập
Theo đó, ngoài các thành viên của nhà trường đại diện Hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, Bí thư đoàn thanh niên và các giao viên đại diện các tổ chuyên môn, Hội đồng trường còn có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, đại diện Cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.
6. Bên cạnh đó, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, giáo viên không được làm những điều sau: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xúc phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh, bỏ giờ, bỏ buổi học; Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; Hút thuốc lá, rượu, bia và sử dụng chất kích thích khác khi đang dạy học.
   Ngoài ra, nhiệm kỳ của Hiệu trưởng trường trung học là 05 năm, sau mỗi năm học hiệu trưởng được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Tác giả bài viết: Hiệu trưởng

Nguồn tin: Tin nội bộ (Người đăng tin: Admin)